NGƯỜI QUÊ Ở HÀ NỘI
Sáng sớm, đi tập thể dục, tôi nghe thấy một giọng đặc sệt miền Trung: Tổ cha cái dân nhà quê, Hà Nội có cái chi mà kéo nhau ra làm chật chội bẩn thỉu thế này?
Tôi ngạc nhiên về câu nói của người còn chưa bỏ được giọng quê hương của anh ấy. Buồn cười và thương hại, không hiểu khi phát ngôn như vậy, anh ta nghĩ gì về bản thân mình?
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng bố mẹ tôi lại là người nhà quê. Sự mưu sinh khiến các cụ ra Hà Nội, nên duyên và tôi được gọi là Người Hà Nội. Tôi rất ngưỡng mộ người Hà Nội từ những thế hệ trước, ở họ có sự thanh thoát nhẹ nhàng, khiêm nhường và đầy trí tuệ mà tôi luôn cố gắng học theo. Nhưng nơi tôi thấy ấm áp hơn cả lại là quê cha tôi, vũng đất chiêm trũng nghèo với những người nông dân hiền lành chăm chỉ suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vất vả vậy, nhưng họ hiền lành như củ khoai, hạt mít, mỗi khi cuộc sống đô thị căng thẳng tôi lại về quê, chỉ một chút thôi được sống ở quê, là tôi lại đủ sức mạnh quay về đối mặt với những khó khăn vất vả nơi thành thị.
Dòng người từ mọi nơi đổ về khiến Hà Nội trở nên xô bồ và phức tạp. Người Hà Nội gốc thường tránh va chạm, tránh tranh giành nên họ bị gạt lùi xuống phía sau. Người quê thì khác, họ không ngại khó, ngại khổ, họ cũng chẳng có sĩ diện hão của người Hà Nội, họ lăn lưng vào kiếm sống. Họ bán sức lao động của họ rất rẻ, miễn là bám trụ được ở Hà Nội. Tôi thử điểm qua khu chợ quanh nhà tôi, những hàng đông khách nhất là những hàng người quê ra kinh doanh, họ không cần ăn diện, họ cũng chẳng đòi công cao, chỉ cần có một chút lãi để họ tồn tại là họ làm việc. Sự làm việc chăm chỉ ấy đã cho họ thành công nơi thành phố. Đây chẳng phải là điều người thành phố nên học tập hay sao? Giá những người ấy thành đạt rồi, họ học cái văn minh của người Hà Nội thì hay biết bao. Tiết thay, khi chưa ấm chỗ, có người đã quên ngay gốc gác của mình như nhân vật tôi nêu ở trên.